Tin tức

QUẢ TÁO THẦN KỲ CỦA KIMURA

02/09/2018

QUẢ TÁO THẦN KỲ CỦA KIMURA

Để táo không bị thâm sau khi bổ ra hay gọt vỏ, các công ty của Mỹ và Canada đã dùng công nghệ biến đổi gene. Nhưng hơn 30 năm trước, một người nông dân Nhật Bản đã làm được điều này một cách không thể tự nhiên hơn.

Không những không bị thâm mà để 4 năm không thối, chị bị héo dần đi do được trồng hoàn toàn không sử dụng phân bón và hóa chất trừ sâu bệnh, cây táo được canh tác hoàn toàn từ các nguyên lý tự nhiên.

Đó chính là những trái táo thần kỳ của Kimura trong cuốn sách cùng tên mà Organica mới đọc được. Hôm nay, Organica sẽ review lại cuốn sách này cho những anh chị nào chưa được đọc. Trong phần tiếp theo, Organica sẽ viết thêm về những điều đọc và phát khóc từ những trang sách tuyệt vời này.

Ông Kimura tại vườn táo hoàn toàn không hóa chất của mình

Ông Kimura tại vườn táo hoàn toàn không hóa chất của mình

Ông Kimura sinh năm 1949 tại thị trấn Iwaki tỉnh Aomori trong một gia đình làm nông chính hiệu của Nhật Bản với nghề chính là trồng táo. Dù có năng khiếu và đam mê kỹ thuật, do hoàn cảnh gia đình và khi lấy vợ vào năm 22 tuổi, ông Kimura phải chọn con đường làm nông nghiệp.

Thời đó, trồng táo ở Iwaki là một nghề đem lại thu nhập khá giả cho nông dân trong vùng. Nhưng để có được vườn táo sai trĩu quả thì cần phải sử dụng rất nhiều phân bón và đặc biệt là thuốc trừ sâu. Theo ước tính của ông Kimura thì mỗi vụ táo người nông dân phải phun thuốc trừ sâu 13 lần, phun nhiều đến mức toàn bộ lá táo chuyển thành màu trắng.

Gia đình Kimura cũng không phải là ngoại lệ, họ cũng dùng rất nhiều thuốc trừ sâu và cảm thấy không có vấn đề gì dù nhiều lần đi phun thuốc về ngã lăn ra đất, thậm chí ngã lăn ra tại ruộng táo. (Nhật Bản cũng dùng phân thuốc kinh chứ không hẳn là siêu sạch như nhiều người nghĩ, nhưng bây giờ có lẽ đã khác nhiều).

Cỏ dại là một phần không thể thiếu của nông nghiệp không hóa chất

Cỏ dại là một phần không thể thiếu của nông nghiệp không hóa chất

Nhưng vợ của ông Kimura lại là người có thể trạng mẫn cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Sau mỗi lần đi phun thuốc về là bà phải nằm liệt trên giường ít nhất cả tuần mới trở lại bình thường. Vì tình yêu với vợ, ông Kimura quyết định sẽ trồng táo mà không dùng thuốc.

Việc làm của ông Kimura ngay lập tức bị nông dân trong vùng, thậm chí người trong gia đình cho là “dở hơi ăn cám lợn” vì chẳng có ai lại trồng kiểu như vậy. Với nông dân trồng táo ở Iwaki, làm nông nghiệp là phải dùng phân dùng thuốc. Không dùng phân thuốc thì không thể làm nông nghiệp. Chấm hết. Giống y chang tại Việt Nam hiện nay đấy các bác ạ. Nhưng Kimura kệ, cứ làm. Làm vì vợ chứ có phải làm cho hàng xóm đâu mà nghe lời họ. Đúng là vì tình yêu người ta có thể làm bất cứ chuyện gì, mà chẳng cần phải suy nghĩ nhiều.

Cơ mà tự nhiên thì không nghĩ thế. Ngay sau khi ngưng dùng thuốc trừ sâu, vườn táo bị sâu bệnh phá tan tành. Bao nhiêu lá táo ngon lành mọc vào mùa xuân bị lũ sâu chén sạch hoặc bị bệnh làm rụng cho bằng hết. Không có lá thì làm gì có hoa. Năm đầu tiên mất trắng.

Năm thứ hai, sâu phát triển kín cả cây, cả gia đình Kimura phải dùng tay bắt sâu. Mà bắt cũng không xuể vì quá nhiều. Ông cũng dùng đủ các thể loại thực phẩm hay thảo dược mà ông nghĩ có thể đuổi sâu bệnh trong vườn của mình. Danh sách này dài cơ số gồm tỏi, ớt, đường, tiêu, xì dầu, tương miso, muối, sữa, rượu, tinh bột gạo, bột mì, dấm… Nhưng chẳng ăn thua.

Ba năm trôi qua mà vườn táo không thuốc trừ sâu của ông Kimura không thấy dấu hiệu khả quan nào. Thực tế là mỗi ngày một tồi tệ hơn khi cây héo úa và mất hết sức sống.

Ba năm là một khoảng thời gian dài, nhất là đối với một gia đình làm nông mà thu nhập chủ yếu đến từ việc bán táo. Không tiền, ông Kimura phải bán dần mọi thứ trong nhà đi để đầu tư vào vườn. Gia đình nghèo khổ đến nỗi tiền đóng học và mua đồ dùng học tập cho các con cũng không có. Cơm cũng không đủ ăn. Chỉ có quyết tâm làm nông nghiệp không hóa chất của ông là vẫn còn cháy bỏng.

Nhưng đối chọi với sâu bệnh dù nhiều còn thấy đỡ. Đối chọi với ánh mắt xa lánh của người thân, cái nhìn giễu cợt của hàng xóm hay thậm chí là khinh bỉ của người trong vùng mới là điều đáng sợ nhất. Khuyên nhủ mãi không nghe, người ta bắt đầu gọi ông Kimura là “kẻ phá gia chi tử”, một từ mang ý nghĩa rất xúc phạm ghê gớm. Để tránh nhìn thấy cảnh ấy, ông Kimura thường lên vườn từ lúc mọi người chưa ngủ dậy và trở về nhà khi mọi người đã ngủ say. Do đã bán xe nên ông phải đi bộ ra vườn, mỗi lần đi về mất 2 tiếng đồng hồ.

Để có tiền cho gia đình, đến mùa đông khi tuyết rơi dày, công việc làm nông tạm nghỉ, ông Kimura lên phố tìm việc làm thêm. Ông làm đủ thứ nghề từ thấp hèn nhất miễn là có tiền phụ giúp gia đình. Nhưng tiền làm thuê cũng chỉ cố gắng duy trì cuộc sống đã quá nghèo khổ của gia đình ông mà thôi. Có lần trong lúc đang làm thêm ở quán rượu, ông bị xã hội đen đánh cho rụng cả răng.

Núi Iwaki nơi có vườn táo thần kỳ của Kimura

Núi Iwaki nơi có vườn táo thần kỳ của Kimura

Đã sáu năm trôi qua kể từ khi ông Kimura trồng táo không thuốc trừ sâu (ông vẫn bón phân hữu cơ), vườn táo vẫn thảm hại. Vườn bế tắc. Gia đình điêu đứng. Niềm tin và ý chí đã lụi tàn. Ông Kimura tìm đến cái chết.

Ông đêm theo sợi dây và tìm đường lên núi Iwaki để tự tử vào một đêm trăng sáng. Nhưng khi quăng sợi dây lên để buộc vào cành, sợi dây trượt văng ra xa. Nếu cú ném đó thành công, có lẽ thế giới này không biết đến những trái táo thần kỳ của Kimura ngày nay. Và phương pháp trồng táo không hóa chất có lẽ rất lâu sau mới có người làm thành công.

Trong lúc tìm sợi dây, ông Kimura chợt sửng sốt khi nhìn thấy một cây táo xanh tốt dưới anh trăng. Không thể tin được. Giữa rừng thế này mà lại có một cây táo mọc xanh tốt. Chắc là nó không dùng thuốc trừ sâu! Ông đến gần, hóa ra không phải cây táo. Nó là một cây dẻ. Tất nhiên rồi. Táo ở đâu mà mọc trên núi thế này.

Nhưng không vì thế mà ông Kimura thấy thất vọng. Cái mà ông nhìn thấy không đơn thuần chỉ là cây táo. Ông nhìn thấy một cái cây xanh tốt mà không dùng thuốc trừ sâu. Thậm chí là không dùng phân bón nữa. Và thậm chí là cả không làm cỏ nữa. Mọi thứ nó cứ thế mà phát triển. Như một tiếng sét vang lên giữa trời xanh, ông Kimura dường như đã khám phá ra bí mật để trồng táo không hóa chất.

Dùng tay, ông nhổ cỏ quanh gốc cây dẻ và đào xuống lớp đất xốp bốc lên mùi ngai ngái. Thậm chí ông cho cả nắm đất vào mồm mà cảm nhận. Phải, đây chính là bí mật của nông nghiệp không hóa chất. Lớp đất mềm này có được là nhờ cỏ làm tơi xốp, giúp rễ cây xuyên sâu hơn vào đất. Rễ cây khỏe mạnh thì cây càng khỏe mạnh. Cây càng khỏe mạnh thì càng chống chịu tốt hơn với sâu bệnh. Cũng hệt như con người.

Khoảnh khắc nhìn thấy cây táo (thực ra là cây dẻ) đã cứu ông Kimura, và cả vườn táo nữa. Ông ngưng bón phân hữu cơ, ngưng phát cỏ dại trong vườn và trồng đậu để giúp phát triển hệ vi sinh vật trong đất đã bị ảnh hưởng bởi nhiều năm phun thuốc trước kia chưa thể phục hồi.

Vườn cây trở thành thiên đường cho đủ loại côn trùng sâu bệnh, ong bướm chuột, rắn… đến sinh sống. Và quả thực, dù không quá nhanh nhưng tình trạng vườn táo đã được cải thiện đáng kể.

Năm thứ hai sau khi gieo đậu tương và để cỏ dại mọc trong vườn, lá táo ra vào mùa xuân và không bị rụng tới tận mùa thu. Và đến đầu xuân năm sau nữa, những cây táo đã ngừng sinh trưởng mấy năm đã dài thêm chừng 10 cm.

Và ở lối vào vườn, một cây táo đã nở hoa! Những 7 bông hoa trên một cây, trong một vườn còn 400 cây táo khỏe mạnh trong tổng số 800 cây kể từ lúc đầu, sau 8 năm rồi.

Chỉ có 2 trong số 7 bông hoa đậu trái.

Ngày thu hoạch táo, ông đem hai trái táo dâng lên bàn thờ thần, rồi sau đó mọi người trong gia đình cùng ăn.

Khỏi phải nói, chúng ngon đến kinh ngạc.

Năm thứ 9. Hoa táo nở trắng vườn. Và mùa thu năm đó, gia đình ông Kimura thu được cả núi táo, hoàn toàn không hóa chất.

Dù còn thêm một vài năm khó khăn nữa nhưng đoạn kết của câu chuyện này thì mọi người cũng đã biết hoặc đoán ra rồi. Táo của ông Kimura giờ nổi tiếng khắp thế giới và muốn mua cũng không dễ. Fax đặt hàng đến nhà ông liên tục và dày hàng mét trên bàn và còn lâu ông mới giải quyết hết. Thậm chí một nhà hàng ở Tokyo chỉ bán một món duy nhất là “Súp táo Kimura” mà muốn ăn bạn phải đặt trước ít nhất nửa năm.

“Quả táo thần kỳ của Kimura” là một cuốn sách truyền cảm hứng không chỉ cho những người đam mê nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên mà còn với mọi người.

Và như đã hứa ở phần đầu, trong phần tiếp theo Organica sẽ nói thêm về những chi tiết mà đọc xúc động rơi nước mắt. Bạn đón đọc nhé!