Tin tức

VÌ SAO LÀM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỐN NHIỀU NHÂN LỰC ĐẾN THẾ?

14/06/2019

VÌ SAO LÀM NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ TỐN NHIỀU NHÂN LỰC ĐẾN THẾ?

Khi tôi nói với các vị khách rằng trang trại hữu cơ đầu tiên của chúng tôi ở Long Thành (Đồng Nai) với diện tích xấp xỉ 2ha mà lúc nào cùng cần với 16-20 nông dân làm việc, họ đã rất ngạc nhiên.

Cùng một mảnh vườn nhỏ nhưng có hàng chục loại rau với những thời gian sinh trưởng khác nhau và cả đất trống.

Họ ngạc nhiên hơn nữa là sau 6 năm làm nông nghiệp, chúng tôi vẫn hầu như làm mọi thứ bằng tay bao gồm gieo hạt, tỉa cây, nhổ cỏ, tưới nước, thu hoạch (ngoại trừ cày đất bằng một cái máy cày nhỏ xíu).

Làm nông nghiệp mà không ứng dụng cơ giới hóa, hay ít ra là hệ thống tưới tự động thì quá là lạc hậu. Thảo nào giá thành cao. Vâng, chúng tôi biết chứ. Thực tế chúng tôi đã áp dụng hệ thống tưới tự động bao gồm cả tưới bằng béc, phun hay nhỏ giọt nhưng rồi bỏ cả chuyển về tưới bằng vòi curoa truyền thống. Không phải những kiểu tưới kia không tốt, chúng chỉ không hợp với trang trại của chúng tôi mà thôi. Việc áp dụng máy móc quy mô lớn thì càng không thể, bởi vì chẳng có mảnh đất nào rộng đến 200 m2 trống trong vườn để cho máy cày vào làm việc. Ở trang trại hữu cơ, mảnh đất nào cũng có vai trò của nó và chúng luôn sống động.

Nếu bạn chưa từng đến trang trại hữu cơ Organica thì có thể tưởng tượng thế này. Ngoài phần diện tích làm bờ rào, cách ly, đường đi, nhà ở, nhà kho, nhà ủ phân và để không cho cỏ mọc chúng tôi chia thành 5 khu khác nhau. Mỗi khu chia ra khoảng 50-60 luống khác nhau để trồng rau.

Bây giờ bạn đang bước vào một khu trồng rau như vậy và thấy một bức tranh đầy màu sắc từ đủ các thể loại rau khác nhau như muống, mồng tơi, dền, cải, xà lách,.. chỉ riêng cải cũng đã có đến chục loại, đương nhiên mỗi loại có màu khác nhau. Ngay cả cùng một loại cải xanh thì chúng cũng có màu khác nhau ở mỗi giai đoạn trưởng thành. Khu vườn đầy màu sắc, và chúng biến đổi màu sắc hàng ngày. Nếu có máy chụp hình liên tục trong 30 ngày thì chúng ta có thể nhìn thấy 30 bức tranh với màu sắc khác nhau. Vì mỗi loại rau cần một lượng nước khác nhau, mỗi thời kỳ sinh trưởng của rau lại cần một lượng nước khác nhau nên không có hệ thống tưới nào đủ thông minh để nhận ra mà tưới cho đúng liều lượng cần dùng. Tưới một kiểu thì chỗ này thừa mà chỗ kia thiếu. Vì vậy, chúng tôi dùng cách cổ điển hơn là để nông dân tự quyết định cây nào cần bao nhiêu nước. Mọi thứ bây giờ vẫn ổn trong khi hồi xưa chúng tôi đã thử mấy hệ thống tưới khác nhau mà không thành công.

Để rõ hơn, tôi có thể nói thế này. 50 luống rau của chúng tôi sẽ trồng khoảng 20-30 loại rau khác nhau. Mỗi loại rau lại chia ra luống mới gieo hạt, luống đã lên cao 10cm và luống thì chuẩn bị thu hoạch. Có một số luống để đất trống vì đang thời gian nghỉ ngơi chuẩn bị trồng các loại rau khác. Các loại rau lại được trồng xen kẽ nhau chứ không tập trung một khu vực vì vậy máy cày to không thể vào làm việc được mà phải dùng cái máy cảy  nhỏ xíu một người điều khiển đi phía sau, không khác gì con trâu của ông bà ta ngày xưa, mỗi tội con này không ăn cỏ mà uống dầu. Chúng ta đều biết đó là kiểu trồng xen canh.

Sau khi thu hoạch xong một luống, nông dân sẽ cày đất và phơi nắng cho nghỉ và đợi trồng một loại rau khác để tránh mầm bệnh hại cây nếu trồng một loại cây trên một mảnh đất trong nhiều vụ khác nhau. Đó là luân canh.

Công việc tỉa cây và nhổ cỏ thì rõ ràng không thể dùng máy nào làm được vì phải làm thường xuyên. Đến nay chúng tôi vẫn không hiểu là làm đất qua hàng trăm vụ rồi mà cỏ vẫn cứ mọc khi trồng rau. Có điều có ngày càng tươi ngon hơn nên con bò trong trang trại cũng có vẻ hài lòng hơn với bữa ăn hàng ngày.

Đó là lý do vì sao chúng tôi không thể áp dụng cơ giới và tưới tự động được.