Tin tức

LÚA NÀNG KEO

02/06/2018

LÚA NÀNG KEO

Lúa nàng Keo
Lúa Nàng Keo là một giống lúa mùa cổ truyền được người dân Bến Tre trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Tên gọi Nàng Keo là biểu trưng cho sự thơm ngon đặc biệt, tương tự như các giống lúa thơm ngon nổi tiếng khác rải rác ở Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng mang tên của một người con gái như Nàng Hương, Nàng Tây, Nàng Thơm, Nàng Tét, Nàng Co, Nàng Nhen, Nàng Côi, Nàng Xe, Nàng Chô… Dù có ở một số nơi nhưng lúa Nàng Keo được trồng nhiều nhất trong vùng canh tác tự nhiên lúa-tôm tại huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Hạt gạo Nàng Keo có màu sẫm, tròn và ngắn so với gạo thường. Khi nấu thành cơm có mùi thơm nhẹ, cơm ngon, nhai lâu sẽ thấy vị ngọt đậm đà.


Giống lúa này có thể chịu được độ mặn cao của vùng ven biển bị nhiễm mặn và là giống lúa dài ngày nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ kéo dài đến 6 tháng. Đặc biệt hơn ở chỗ, lúa Nàng Keo chỉ trổ bông vào khoảng tháng 10-11 hàng năm, khi ánh mặt trời chiếu xuống vùng đất này với nhiệt lượng cao nhất và thời gian trong ngày kéo dài nhất. Vì vậy, người dân ở đây thường gieo sạ lúa từ tháng 5-6 hàng năm để đến tháng 10-11 cây lúa trổ bông là đủ ngày đủ tháng cho chất lượng hạt lúa thơm ngon. Và dù có gieo sạ trước đó thì lúa Nàng Keo cũng không trổ bông sớm hơn mà chỉ cao hơn mà thôi. 


Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng Keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn do biến đổi khí hậu. ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu, và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu.


Do đặc tính con tôm rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu, hóa chất nên cây lúa hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu nào. Ngay cả những khi có sâu bệnh trên cây lúa, người dân cũng không dùng thuốc để xử lý vì như vậy sẽ gây hại cho tôm. Để giải quyết sâu bệnh, người dân nơi đây có một cách rất sáng tạo và cũng rất thuận tự nhiên. Lợi dụng chế độ bán thủy triều (mỗi ngày nước lên xuống hai lần), người dân sẽ tháo cống để nước từ sông chảy vào làm ngập ruộng và ngâm lúa chìm trong nước sau đó lại tháo nước ra. Trong quá trình lúa bị ngập nước thì toàn bộ sâu bọ dịch hại sẽ bị tiêu diệt. Cách làm này không phải mô hình trồng lúa nào cũng làm được mà chỉ ở những vùng lúa tôm có hệ thống thủy lợi tốt mới có thể điều chỉnh được lượng nước vào ra ruộng cho hợp lý.


Người dân Thạnh Phú nuôi tôm theo kiểu tự nhiên, đó là chỉ thả con giống vào đầu mùa khô rồi để tự cho con tôm sinh sống và phát triển chứ không cho ăn bằng thức ăn như những vùng nuôi tôm công nghiệp. Chất dinh dưỡng có sẵn từ ruộng lúa, và theo những con nước được người dân tháo từ cống sông đổ vào ruộng nuôi sống con tôm. Vuông tôm vì vậy không chỉ có tôm mà còn có thêm nhiều loài cua, cá khác cùng sinh sống.


Theo người dân nơi đây, lúa trồng theo phương pháp hữu cơ hoàn toàn không sử dụng phân hóa học, hóa chất độc hại nên an toàn tuyệt đối, hương vị thơm ngon. Chính vì vậy, người dân trồng lúa hữu cơ ở Thạnh Phú quan niệm lúa trồng ra trước hết phải để dành cho gia đình đủ ăn, còn dư ra mới bán. Khác hăn với các vùng khác ở miền Tây là vựa lúa nhưng người trồng thường bán lúa tại ruộng cho thương lái, sau đó sẽ ra chợ mua gạo về dùng cho gia đình.