Tin tức

Từ bữa rau sạch cho bà bầu

04/08/2019

Từ bữa rau sạch cho bà bầu

TT - Phạm Phương Thảo năm nay 33 tuổi, hiện là chủ của hai cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica tại TP.HCM, đồng thời sở hữu một trang trại rộng 1,8ha ở Long Thành, Đồng Nai; một vườn trồng rau ôn đới nhỏ tại Xuân Thành, Đà Lạt hơn 1.200m2.

Phạm Phương Thảo và vườn rau của Organica tại Đà Lạt - Ảnh: phương duy

Ngoài ra cô còn có các trang trại liên kết (theo hướng hợp tác, người nông dân trồng, Organica nhận bán một số sản phẩm) hoặc đầu tư cùng (ứng chi phí) để nông dân trồng và bán sản phẩm cho cửa hàng.

Giấc mơ Organica

Cơ duyên đưa cô cử nhân khoa công nghệ môi trường thuộc Trường đại học Đông Đô (Hà Nội) đến với Organica khá thú vị. “Khi mang thai em bé, ba tháng đầu mình ốm nghén rất dữ, chỉ ăn được rau, nhất là rau sống, nên rất lo, sợ rau không sạch sẽ ảnh hưởng đến em bé. Từ những ngày này, ý tưởng về một cửa hàng rau và thực phẩm sạch an toàn cho sức khỏe hình thành” - Thảo nói.

Có dịp sang Lào, Thảo tình cờ nhận thấy vào các ngày thứ tư và thứ sáu hằng tuần, trước chùa Vàng thường xuyên tổ chức hội chợ hàng hữu cơ. Tại đây, người nông dân trồng các loại nông sản hữu cơ do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ đem nông sản đến bày bán cho người dân thành phố và du khách.

Tại sao người Lào nghèo hơn Việt Nam mà có cơ hội được dùng thực phẩm sạch? Câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu Thảo. Và rồi một cửa hàng nhỏ xíu có tên Organica sau đó khiêm tốn xuất hiện trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM.

Tại sao lại chọn cái tên Organica? Thảo nói: hữu cơ tiếng Anh là organic, vậy dùng ngay chữ này làm tên để mọi người dễ dàng nhận ra nơi đây bán thực phẩm hữu cơ. Organica thuận đọc và dễ nhớ hơn.

Rau sạch = làm ăn sạch

Sau một năm, khi Organica khởi động chỉ với vài mặt hàng chủ lực như gạo hoa sữa, trà san tuyết, một số sản phẩm hữu cơ chuyên xuất khẩu của một công ty dược phẩm tại Bình Dương, thì nay đã có hơn 300 mặt hàng khác nhau. “Không phải tất cả đều là organic có chứng nhận. Tuy nhiên mình luôn cố gắng có hơn 70% sản phẩm trong cửa hàng là các sản phẩm hữu cơ có chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới như USDA (Mỹ), Ecocert (EU)...” - Thảo cho biết.

 Khó khăn của Thảo là hiện tại Việt Nam chưa có cơ quan nào hướng dẫn và chứng nhận hữu cơ cho nông dân. Riêng với rau củ quả, các mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày thì để có được chứng nhận từ các tổ chức uy tín trên phải tốn kém khá nhiều và cần thời gian theo quá trình chứng nhận, thường mất ít nhất khoảng hai năm. Do đó, hiện nay với mặt hàng rau củ quả Organica tự trồng hoặc theo sát các trang trại liên kết.

Nhưng khó khăn nhất khi làm thực phẩm hữu cơ chính là hợp tác với người nông dân. Nhiều nhân công Organica thuê đã làm nông nghiệp lâu năm, ban đầu cũng không hiểu tại sao lại phải nghiền ớt, nghiền tỏi, lên men trái và lá xoan để phòng tránh sâu bệnh khi mà chỉ cần ra hiệu thuốc mua một hũ về xịt cả tuần, hiệu quả nhanh.

Nông dân cũng thấy phiền phức khi phải nuôi bò, dùng đậu nành, cá khô... để làm phân bón khi trên thị trường có hàng trăm nhãn hiệu phân bón khác nhau. “Họ càng không hiểu tại sao mỗi khi rau mắc bệnh, công ty cho cắt cả vườn rau đem đi chôn chứ nhất quyết không phun thuốc hóa học” - Thảo chia sẻ.

Làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, để đưa ra thị trường, làm cho khách hàng tin và chấp nhận còn khó hơn. Organica từng gặp những khách hàng tuyên bố: “Tôi đến đây mua hàng vì niềm tin, chỉ cần nghe báo chí đưa thông tin xấu là tôi sẽ kiện”. Nhưng cũng có nhiều lời khuyên: “Các cháu cố gắng đừng làm như chỗ khác, đừng lấy rau chợ về bảo rau hữu cơ”. Có những khách hàng chân tình: “Tôi nghèo nhưng tôi cũng cần ăn rau sạch chứ. Rau sạch đắt thì tôi ăn ít lại, còn hơn ra chợ mua rau bẩn sau này chết tiền vì viện phí”.

Tin ở ngày mai

Thảo cười: số vốn đầu tư và công sức đến giờ cho Organica rất khó tính toán, “không dám xem lại thu chi của chính mình”. Để dành công sức cho Organica, Thảo phải tạm ngưng công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện để tập trung vào kinh doanh thực phẩm hữu cơ trong hơn một năm qua mà không có đồng lương nào. “Nhiều hôm vắng khách rau tươi không để được lâu nên cả chủ lẫn nhân viên phải chia nhau đem về ăn rồi trừ dần vào lương” - cô cho biết.

Dù vậy, Phạm Phương Thảo vẫn giữ tinh thần lạc quan và tự tin vào tương lai của Organica. Organica hiện có mạng lưới hơn 200 khách hàng thân thiết thường xuyên. “Đây là tài sản quý giá nhất mà Organica gầy dựng được thời gian qua” - Thảo nói.

Thảo khoe cô vừa được cấp học bổng tham gia khóa học về quản trị doanh nghiệp cao cấp tại Đức trong tháng 9 tới. Đây là chương trình của Chính phủ Đức hợp tác với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

PHƯƠNG DUY

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ.

Link bài viết: https://tuoitre.vn/tu-bua-rau-sach-cho-ba-bau-624910.htm