Tin tức

Rau hữu cơ là gì ? 7 bước xây dựng vườn rau hữu cơ hiệu quả

05/04/2019

Rau hữu cơ là gì ? 7 bước xây dựng vườn rau hữu cơ hiệu quả

Rau hữu cơ là gì ? và quy trình 7 bước xây dựng vườn rau hữu cơ chất lượng từ a-z cho người mới bắt đầu làm hữu cơ

I/ Rau hữu cơ là gì?

Là loại rau được trồng trọt, sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ, mỗi quốc gia, khu vực sẽ có những tiêu chuẩn khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của thực phẩm hữu cơ là luôn hướng đến việc thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Cụ thể hơn thì, rau hữu cơ là loại rau đáp ứng tiêu chí:

  • KHÔNG phân bón hóa học
  • KHÔNG chất diệt cỏ
  • KHÔNG thuốc trừ sâu độc hại
  • KHÔNG chất biến đổi gen
  • KHÔNG chất kích thích sinh trưởng

Các tiêu chí trên được chứng nhận bởi các tổ chức hữu cơ hàng đầu thế giới như USDA, EU...

Điều này có nghĩa là rau hữu cơ được trồng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, không có sự can thiệp của hóa chất độc hại trong tất cả các khâu từ trồng trọt (đất trồng, nước tưới,

giống, cách phòng sâu bệnh, xử lý cỏ dại) đến khâu đóng gói hay bảo quản.

>>> Tham khảo: Những loại rau hữu cơ được trông tại trang trại rau nhiệt đới đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) & EU Organic Farming (Liên minh châu Âu)

II/ Hướng dẫn 7 bước xây dựng vườn rau hữu cơ 

Để làm ra một vườn rau hữu cơ, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng trong từng công đoạn, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm. Nằm lòng 7 bước dưới đây có lẽ sẽ là khởi đầu hay ho cho bạn về vườn rau hữu cơ đấy nhé!

1/ Thiết lập mục tiêu cho vườn rau hữu cơ của bạn.

Trước khi đặt những nhát cuốc đầu tiên, trước khi chọn giống, đất đai như thế nào. Hãy chắc chắn rằng, bạn có mục tiêu rõ ràng cho khu vườn rau hữu cơ của chính mình.

Điều này, tưởng chừng như chỉ mang tính chất sách vở. Nhưng thực tế, nếu không có mục tiêu, bạn khó có thể hình dung được hình hài của vườn rau hữu cơ và mọi thứ sẽ trở nên không có phương hướng.

Với những người mới bắt đầu, phần lớn vẫn nhằm mục đích cung cấp nguồn rau sạch cho nhu cầu hằng ngày của bản thân và gia đình hoặc một số có xu hướng kinh doanh. Tuy nhiên, dù là mục đích gì, bạn cũng cần hiểu rằng, để gây dựng nên một vườn rau hữu cơ không đơn giản chỉ gieo hạt, tươi nước và thu hoạch.

Chính vì thế, mục tiêu cần sát với thực tế, bạn cần dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng các công đoạn, quy trình và nên bắt đầu với những mô hình nhỏ, đơn giản nhất không vượt quá tầm kiểm soát của bạn trước khi có ý định xa hơn.

2/ Chọn nơi trồng, cây trồng phù hợp với khu vườn rau hữu cơ.

Nơi nào là nơi tốt nhất để bạn đặt vườn rau? Đó sẽ là câu hỏi thứ 2 bạn cần có đáp án trước khi xây dựng một khu vườn rau hữu cơ của chính mình.

Nếu may mắn có một mảnh vườn nhỏ, hãy chắc chắn chúng cách xa khu vực ô nhiễm, cần kiểm định mức độ an toàn, nghĩa là đất đai và nguồn nước của khu vườn cần đảm bảo sạch, không chứa độc tố.

Một khu vườn có độ dốc vừa phải sẽ là ưu tiên hàng đầu vì chúng vừa giúp cây hấp thụ ánh sáng tốt vừa đọng lại nước, thoát nước vào mùa mưa, tránh tình trạng cây ngập úng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần để ý đến gió, nếu khu vườn hứng nhiều gió, bạn nên có biện pháp che chắn

Nếu bạn có ý định làm vườn rau hữu cơ ở trên sân thượng hoặc ban công, cần đảm bảo ở đó có đủ ánh sáng cho cây sinh trưởng và phát triển. Tùy thuộc vào loại cây trồng mà bạn sẽ trồng mà nhu cầu ánh sáng sẽ khác nhau.

Ví như cây ưa nắng, cần tối thiểu 8-10h nắng/ngày. Cây ưa bóng râm cần 3-4h, cây trung bình lại cần 5-6h/ngày.

Do đó, bên cạnh chọn vị trí đặt khu vườn, bạn cần tìm hiểu về nhu cầu ánh sáng trực tiếp từ mặt trời của từng loại rau để có sự lựa chọn phù hợp.

3/ Chọn đất và giống.

Đất và giống là 2 yếu tố tiên quyết trong quy trình trồng rau hữu cơ. Chính vì vậy, bạn cần có kế hoạch cho 2 nhân tố này.

Đối với đất, bạn cần đảm bảo 2 yếu tố đó là đất không bị ô nhiễm, không chứa độc tố và có đủ dinh dưỡng, độ xốp (nếu không bạn nên dành thời gian cho công tác cải tạo đất tối thiểu 2-3 vụ). Bạn cần mang mẫu đất đến một số trung tâm thử nghiệm để biết tình trạng đất, từ đó có hướng cải tạo tốt hơn.

Đối với cây giống, hạt giống, bạn cần lựa chọn ở những địa chỉ uy tín, dĩ nhiên đó sẽ là hạt giống, cây giống được lấy, nuôi trồng từ cây trồng hữu cơ, không sử dụng hạt giống biến đổi gen.

Đối với cây trồng, bạn nên chọn cây khỏe, không có dấu hiệu sâu bệnh, lá héo, vàng. Không nên chọn cây đã ra hoa hoặc nhú nụ. Nếu lỡ chọn bạn cần tỉa nó ngay để đảm bảo thời gian lúc này cây tập trung nuôi dưỡng cho bộ rễ mới bám chắc vào đất.

4/ Học cách làm phân bón cho vườn rau hữu cơ.

Một vườn rau hữu cơ yêu cầu không sử dụng phân bón hóa học. Do đó, bạn cần tìm hiểu và học cách làm phân bón hữu cơ cho khu vườn. Hiện nay có khá nhiều video hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ các nguyên liệu tự nhiên, bạn có thể tham khảo.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các men vi sinh cũng sẽ giúp cây phòng trừ sâu bệnh, vừa giúp sinh trưởng phát triển tốt hơn.

5/ Thiết lập hệ thống tưới tiêu.

Hệ thống tưới tiêu cho vườn rau hữu cơ là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bạn cần đảm bảo độ sạch của nguồn nước bằng cách mang chúng đi thử nghiệm. Đồng thời nên có hệ thống xử lý, kiểm tra định kỳ về các chỉ tiêu vi sinh và hóa lý.

Đối với rau hữu cơ, nước máy không thể sử dụng, vì chúng vẫn chứa các tạp chất. Chúng nên là nguồn nước tự nhiên, không bị ô nhiễm và đã được xử lý.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý đến hệ thống tưới tiêu, nghĩa là lắp đặt các vòi phun bao gồm phun sương dành cho cây ươm mầm, vòi nước cho trực tiếp vào rễ khi cây trưởng thành.

6/ Có biện pháp phòng sâu bệnh.

Với vườn rau hữu cơ, bạn không được phép sử dụng bất kỳ biện pháp phòng sâu bệnh nào có liên quan đến hóa chất. Do đó, nếu muốn sở hữu một khu vườn hữu cơ, bạn nên học cách phòng trừ sâu bệnh càng sớm càng tốt.

Thông thường, sau khi cây nảy mầm vừa đủ, nhà vườn sẽ tiến hành nhổ cỏ bằng tay để loại bỏ cây dại. Sau khi cây lớn, tách trồng riêng biệt, nếu có sâu bệnh, người ta sẽ sử dụng các biện pháp thủ công là bắt sâu hoặc xịt các dung dịch làm từ gừng, tỏi, ớt…

Tuy nhiên, có một mẹo, đó là ở khâu tái tạo đất, bạn nên phủ lên đất một lớp dày rơm rạ không có cỏ hoặc giấy báo dày 2-3cm để diệt cỏ, điều này vừa giúp cỏ diệt tận gốc vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho đất.

Ngoài ra, việc trồng một số cây thu hút côn trùng có lợi, côn trùng chống lại sâu bệnh cũng sẽ là cách giúp phòng, chống bệnh cho cây trồng hiệu quả.

7/ Nắm rõ kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cho từng loại rau hữu cơ.

Điều cuối cùng cũng không kém phần quan trọng đó là đối với mỗi loại rau, cây trồng bạn cần tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc đúng cách, cây cần bao nhiêu giờ ánh nắng, cây ưa nước hay kháo nước, cây cần bón phân khi nào…Điều này sẽ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao hơn.

Ngoài ra, với người mới bắt đầu, tốt nhất nên làm quen với các mô hình nhỏ, với các loại cây trồng, cây rau dễ chăm, sau đó từ từ thay đổi. Bởi đối với rau hữu cơ, nếu không nuôi được tâm huyết dài, bạn sẽ rất dễ từ bỏ chúng.

Sở hữu một vườn rau hữu cơ là ước muốn của nhiều người, nhất là khi tình trạng thực phẩm bẩn lên ngôi. Tuy nhiên, quy trình trồng rau hữu cơ khá nghiêm ngặt, đòi hỏi các tiêu chuẩn gắt gao. Chính vì thế, nếu có ý định làm rau hữu cơ, bạn cần xác định đó là một chặng đường dài và gian nan.

> Tham khảo thêm: Hướng dẫn quy trình trồng rau sách, an toàn cho người mới bắt đầu