Tin tức

Khám phá 15 món ăn ngày Tết đặc trưng đầy hào sảng của người miền Nam

25/01/2019

Khám phá 15 món ăn ngày Tết đặc trưng đầy hào sảng của người miền Nam

Khám phá 15 món ăn ngày Tết đặc trưng đầy hào sảng của người miền Nam, với những món ăn khác lạ so với Miền Bắc và Trung !

Các món ăn ngày Tết miền Nam thường “bất quy tắc” nghĩa là không quá cầu kỳ, khắt khe như miền Bắc. Thế nhưng, dẫu có đi đâu bạn vẫn sẽ bắt gặp một vài trong số 15 món đặc trưng sau.

1/ Bánh tét, bánh ít - món ăn đặc trưng ngày Tết miền Nam

Cũng là bánh tét nhưng người miền Nam lại biến hóa chúng đa dạng hơn với các mùi vị và màu sắc khác nhau như lá cẩm, dừa, đậu đen, đậu đỏ, chuối...

Nhất là bánh tét miền Tây có màu sắc khá sặc sỡ, chúng thường được sắp xếp thành chữ Phú hay chữ Thọ để mang lại may mắn cho cả gia đình.

Vị bánh tét của người miền Nam thường sẽ ngọt hơn các vùng khác, do đó nếu có dịp được thưởng thức thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên nhé!

2/ Khổ qua nhồi thịt - món ăn “cho khổ đi qua” trong ngày Tết miền Nam

Với tâm niệm “cho khổ đi qua, may mắn đến” canh khổ qua nhồi thịt là món ăn thường xuất hiện trong ngày Tết của người miền Nam.

Đồng thời đây cũng là món ăn giúp thanh nhiệt cơ thể hiệu quả, bởi những ngày Tết ở miền Nam thường nắng nóng thay vì mưa lạnh như miền Bắc.

Vị ngọt bùi của thịt đi liền với vị đắng của khổ qua còn đọng lại ở cổ họng, đơn giản nhưng sẽ khiến bạn nhớ mãi hương vị ấy.

3/ Thịt kho hột vịt nước dừa

Nghe có vẻ “bất quy tắc” nhưng ít ai biết được rằng, mâm cơm Tết của người miền Nam thường khéo léo ứng dụng triết lý ngũ hành âm dương: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Mỗi món ăn trong ngày Tết miền Nam đều mang một tính chất thể hiện một trạng thái ngũ hành, giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể.

Nếu vị đắng của khổ qua là Hỏa, vị ngọt của mứt là Thổ, vị cay của ớt trong các món ăn ngày Tết miền Nam là Kim thì thịt kho hột vịt ứng với hành Thủy, ăn kèm với dưa hành củ kiệu là Mộc.

Chúng tạo nên sự hài hòa cho cả cơ thể lẫn vị giác, không quá mặn, không quá ngấy cũng chẳng quá chua buốt.

4/ Tôm khô củ kiệu

Củ kiệu trộn tôm khô là món ăn ngày Tết ở miền Nam mà “dân nhậu” không thể bỏ qua.

Ngoài ra, món ăn này cũng được kết hợp ăn kèm với bánh tét, bánh ít vô cùng hấp dẫn mà một khi đã ăn rồi cam đoan bạn sẽ bị “ghiền” ngay thôi.

5/ Chả giò (nem rán)

Chả giò tuy chung tên gọi nhưng mỗi vùng miền sẽ có những cách biến tấu khác nhau để phù hợp với đặc trưng hoặc sở thích.

Chả giò miền Nam có vị đậm đà của thịt, giòn tan của lớp vỏ và đặc trưng không thể thiếu là độ ngọt bùi của khoai môn.

Mặc dù không chú trọng ngoại hình thế nhưng chả giò miền Nam một khi bạn đã ăn sẽ thấy một nét rất riêng của con người nơi đây, không cầu kỳ, không nguyên tắc nhưng lại trọng tình.

Ngoài ra, để giảm vị bùi của thịt, người dân miền Nam thường ăn kèm chả giò với rau sống, bún và nước mắm chua ngọt.

6/ Gỏi ngó sen

Gỏi ngó sen là món ăn khai vị thường xuất hiện trong ngày Tết của người miền Nam, với công dụng “đổi vị” khi mà mâm cỗ ngày Tết quá nhiều các món giàu đạm, chất béo.

Gỏi ngó sen có vị giòn của rau củ, ngọt của tôm thịt, chua chua của chanh và giấm, thơm thơm của rau răm để ăn Tết hoài không chán.

7/ Gỏi gà xé phay

Tiếp tục vẫn sẽ là món gỏi chống ngán ngày tết, gỏi gà xé phay, món ăn này đặc biệt cực kỳ thích hợp trên bàn nhậu để các ông nhâm nhi vài ly.

Một ít thịt gà xé, trộn thêm ít hành tây, rau răm và chanh nhưng cũng đủ để bạn ăn hoài không ngán.

8/ Mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu...

Mứt là món ăn tráng miệng không thể thiếu trong ngày Tết mỗi vùng miền, trong đó miền Nam nổi bật với các loại như mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt củ năng, mứt bí…

Ngoài ra, một số vùng còn nổi bật với món cơm rượu là sự kết hợp hài hòa giữa xôi nếp và bánh men trong quá trình ủ. Nếp cái được sử dụng nhiều khi làm cơm rượu, chỉ xay bóc vỏ trấu mà không cần giã lớp cám bao quanh hạt gạo. Vì thế, cơm rượu nếp miền Nam thường có màu trắng đục hoặc có chút vàng như màu hoa ngâu

9/ Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn gần như không thể thiếu trong ngày Tết của người dân miền Nam, nhất là để nhâm nhi vài ba ly lại càng không thể thiếu.

Các loại lạp xưởng được ưa chuộng như lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tôm, cá… thường có thể luộc, chiên hoặc nướng trước khi ăn. .

10/ Xôi vò

Điểm đặc biệt khi ăn xôi vò bạn sẽ thấy đó là những hạt xôi rời nhau như những hạt gạo sống nhưng khi ăn lại dẻo quẹo ngay trong miệng khiến ai ăn lần đầu cũng “ơ, a”  vài cái vì “cú lừa” ngoạn mục.

Đặc biệt, khi ăn xôi vò bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của đậu xanh, vị béo của nước cốt dừa đậm chất miền Nam.

11/ Canh măng

Cũng giống như các vùng miền khác, canh măng là món ăn ngày Tết không thể thiếu. Tuy nhiên, người miền Nam thường có thói quen dùng măng tươi thay vì măng khô như miền Trung hay miền Bắc, bởi khi chế biến sẽ không mất quá nhiều thời gian đồng thời khi ăn sẽ cảm nhận được độ giòn của măng rõ rệt hơn.

12/ Lẩu cù lao

Lẩu cù lao là món ăn đặc trưng của người dân miền Tây, Tết đến các thành viên trong gia đình sẽ quây quần lại với nhau vừa trò chuyện vừa thưởng thức món ăn độc đáo này.

13/ Bánh tráng cuốn

Bánh tráng cuốn là món ăn chơi thường thấy trong ngày Tết, đặc trưng nhất vẫn là ở miền Nam.

Bánh tráng cuốn được làm từ gạo non đem ngâm rồi xay thành bột, sau đó được tráng thành từng miếng để cuốn với nhân thịt, cá, tôm hoặc lạp xưởng ăn kèm với các món rau để giảm đi vị ngán.

14/ Gà rút xương Tứ Xuyên

Không phải là món ăn truyền thống, gà rút xương là món ăn du nhập vào nước ta được người dân miền Nam ưa chuộng, nhất là những ngày Tết.

Gà nguyên con sẽ được rút sạch xương nhồi với thịt heo, mộc nhĩ, trứng muối và các loại gia vị rồi đem đi hấp cách thủy, sau khi chín cho vào tủ lạnh để bảo quản ăn dần.

Đây là món ăn đi kèm với dưa món vô cùng ngon và hấp dẫn.

15/ Bánh hồng đào

Bánh hồng đào là món bánh truyền thống của người Tiều, với quan niệm mang lại nhiều may mắn, bạn vẫn có thể bắt gặp món ăn này trong các ngày Tết ở miền Nam.

Bánh có hình trái hồng đẹp mắt tượng trưng cho sự trường thọ, được làm từ bột há cảo, gạo nếp, tôm khô, thịt ba chỉ, nấm đông cô...

Mỗi vùng miền sẽ có những món ăn đặc trưng riêng cho ngày Tết, đó có thể là món ăn truyền thống hoặc cũng có thể là các món ăn được biến tấu để phù hợp.

Dù là món ăn gì thì cũng cũng góp phần làm nên sắc màu ẩm thực của văn hóa Việt, mà dẫu đi đâu, trở về quê hương bạn vẫn tự hào “đồ ăn Việt Nam là nhất”.