Tin tức

Tổng hợp cách bài trí mâm cơm cúng giao thừa ba miền đủ vị chay mặn

03/02/2019

Tổng hợp cách bài trí mâm cơm cúng giao thừa ba miền đủ vị chay mặn

Hãy cùng xem qua cách bài trí mâm cơm cúng giao thừa ở cả ba miền với đủ vị chay mặn xem có điều gì khác biệt nhé.

Nhắc đến Tết Việt, không thể không nói đến cách bài trí mâm cơm cúng giao thừa theo đúng khẩu vị của mỗi gia đình ở mỗi miền.

Với quan niệm cầu mong cho một năm mới an lành, nhiều điều may mắn, hạnh phúc, mang nhiều tài lộc và xui tan những điều không may, mâm cơm cúng giao thừa ngày cuối năm là điều vô cùng quan trọng và ý nghĩ đối với mỗi gia đình.

Hãy cùng xem qua cách bài trí mâm cơm cúng giao thừa ở cả ba miền với đủ vị chay mặn xem có điều gì khác biệt nhé.

1/ Mâm cơm cúng giao thừa cỗ chay

Việc cúng mâm cơm giao thừa cũng được chia thành hai lọai: mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời và mâm cơm cúng giao thừa trong nhà.

Theo tục lệ, cứ đến Giao thừa thì 12 vị Hành khiển lại đi thị sát dưới hạ giới. Họ đi rất vội, do đó mà không có thời gian để vào từng nhà, chỉ lướt qua trước nhà. Vì thế, mâm cơm ngoài trời là để dành cho họ. Cũng vì là mâm cơm cúng cho thần thánh nên thường cũng là mâm cỗ chay với các nguyên liệu như:

- Con gà

- Bánh chưng

- Mứt kẹo, hoa, quả, rượu, vàng mã (bao gồm 1 bộ mũ áo giày quan và tiền vàng)

Có thể bạn sẽ thắc mắc, vì sao mâm cỗ chay nhưng lại cũng gà? Trên thực tế, con gà này không phải là để cho các vị Hành khiển “dùng” mà đó là tục lệ ngàn đời của người Việt.

Vì đem giao thừa (hay còn gọi là đêm trừ tịch) là đêm mà trời tối tăm nhất. Người ta bảo đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Vì vậy mà  nhà nhà bảo nhau đều cúng một con gà, thường là gà trống, với hi vọng con gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm.

2/ Mâm cơm cúng giao thừa cỗ mặn

Khác với mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời, mâm cơm cúng giao thừa trong nhà lại là để dành cho các bậc tổ tiên nhằm cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đạo được bình an, gia đình gặp nhiều điều may mắn trong năm mới. Và lẽ dĩ nhiên, tổ tiên cũng là người nên mâm cơm cúng tổ tiên vào đêm giao thừa sẽ là mâm cơm mặn như lúc họ còn sống.

Theo đó, mâm cơm cúng tổ tiên thông thường sẽ có từ 8-10 món. Những gia đình khá giả sẽ cúng nhiều món hơn, và thường sẽ bao gồm các món như:

- Miến xào lòng gà.

- Canh măng hầm chân giò lợn.

- Gà luộc buộc chéo cánh (gà trống, chọn con to béo, dáng đẹp vì theo quan niệm dân gian thì gà luộc biểu tượng cho công việc làm ăn của gia đình trong năm cũ).

- Nem rán.

- Giò heo.

- Xôi gấc (có thể thay bằng xôi đậu, xôi lá dứa, xôi lá cẩm, xôi vò đều được).

- Đĩa nộm củ quả.

- Xào thập cẩm.

- 1 đĩa trái cây: dưa đỏ, cam hoặc quýt.

Hằng năm, đêm giao thừa cũng rơi vào ngày rằm đối với đạo Phật. Do đó, một số nhà cẩn thận cũng chuẩn bị thêm mâm cơm chay hoặc cỗ ngọt để cúng cho các vị sơn thần thổ địa, bao gồm:

- Hương, hoa, đèn nến

- Bánh kẹo;

- Mứt Tết;

- Rượu/bia và các loại đồ uống khác.

Duy chỉ có ông Công ông Táo do quanh năm ở gần bếp của con người nên dù được liệt vào hàng thần thánh cũng được cúng cỗ mặn như con người.

3/ Mâm cơm cúng giao thừa ba miền có gì khác biệt?

Về cơ bản, mâm cơm cúng giao thừa ba miền cũng tương tự như theo phong tục đã nói ở trên. Duy chỉ có một số khác biệt nhỏ ở phần lễ nghi, phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, cụ thể:

- Đối với miền Bắc: cỗ cúng thường được tính theo số lượng bát, đĩa.

Thông thường sẽ gồm 4 bát: Bát móng giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Và các đĩa gồm Đĩa xôi/bánh chưng, đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối.

Mâm ngủ quả cúng giao thừa ở miền Bắc cũng khác, thường là Phật thủ hoặc bưởi, nải chuối xanh, cái “râu” ở đầu quả của chúng phải còn nguyên chưa rụng, cam sành, quất.

- Đối với miền Trung: mâm cỗ cúng giao thừa thường được bày biện “thịnh soạn” hơn với nhiều món ăn khác nhau như: đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram….

Nhiều nơi còn có thêm các món gỏi như: cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử… và nhiều món non khác dâng lên tổ tiên ngày Tết.

- Đối với miền Nam: Do đặc điểm vùng thời tiết nắng nóng nên đồ ăn cũng thường có xu hướng nguội và để được lâu để tránh hư hỏng.

Các món ăn quen thuộc như: Cỗ có bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng, thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu; đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.

Mâm ngũ quả ở miền Nam cũng bình dị và dân dã hơn, đi theo đúng phong cách bình dân và phóng khoáng của người miền Nam “Cầu (mãng cầu), Sung, Dừa, Đủ (đu đủ), Xài (xoài)”.

Như vậy là với những thông tin trên đây, bạn đã có cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về mâm cơm cúng giao thừa ở ba miền đất Việt ta rồi phải không nào?

Hãy tự kiểm nghiệm với mâm cơm cúng giao thừa của nhà mình để xem Tết năm nay gia đình mình có cần bổ sung thêm món gì để cho “đủ vị” mâm cỗ ngày Tết không nhé.

Chúc bạn và những người thân yêu sẽ có một cái Tết 2019 thật an khang, thịnh vượng !!!