Tin tức

SỮA BÒ SUY THOÁI, SỮA HẠT LÊN NGÔI

11/06/2018

SỮA BÒ SUY THOÁI, SỮA HẠT LÊN NGÔI

Các công ty chế biến sữa đã phải cắt bỏ hợp đồng với các trang trại bò sữa, đến lượt mình, các trang trại phải bán bò để trả nợ. Đó là câu chuyện đang diễn ra với nông dân nuôi bò sữa của Mỹ và ngành công nghiệp sữa Mỹ.

Sữa bò là một ngành công nghiệp khổng lồ với doanh số toàn cầu lên đến 600 tỉ USD mỗi năm. Nhưng tương lai của ngành này đang bị đặt nhiều dấu chấm hỏi khi sản lượng tiêu thụ của người tiêu dùng đang giảm trong những năm gần đây. Kết thúc năm 2017, doanh số sữa bò giảm 3,5% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, doanh số các sản phẩm sữa thay thế sữa bò lại tăng trưởng 4%. Dù còn quá nhỏ so với quy mô ngành sữa bò (sữa thay thế có doanh số 18 tỉ USD trên toàn cầu) nhưng đây đang là xu hướng mà các nhà sản xuất sữa bò phải dè chừng.

Các nhà sản xuất sữa bò cho rằng các loại sữa thay thế ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng dù rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ sữa hạt có lợi cho sức khỏe hơn sữa bò. Các chiến dịch tiếp thị đánh vào cảm xúc của các nhà sản xuất sữa hạt đã làm người tiêu dùng đang tránh xa sữa bò, thay vào đó là các sản phẩm thay thế sữa được làm từ đậu nành, gạo và yến mạch và các loại cây trồng khác.

Theo một báo cáo gần đây của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), một phần của vấn đề là một số người tiêu dùng đã tránh sữa bò vì lý do sức khỏe.

Để chống lại sự sụt giảm về doanh số, các công ty sản xuất sữa bò đã tiến hành nhiều chiến dịch tập trung vào các lợi ích của sức khỏe để kéo người tiêu dùng quay trở lại với sữa bò.

Coca-Cola, dưới áp lực để tái tạo danh mục đồ uống của riêng mình đã thành công với thương hiệu sữa cao cấp Fairlife. Công ty này quảng cáo đó là sữa cao cấp vì nhiều thuộc tính mà người tiêu dùng quan tâm như nhiều protein và canxi, ít đường và lactose hơn.

Một số công ty sữa bò khác thay vì đổi mới từ cốt lõi, họ bỏ tiền mua những thương hiệu sữa bò hữu cơ hay sữa thực vật đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Ví dụ như Danone mua lại WhiteWave, nhà sản xuất sữa đậu nành mang thương hiệu Silk, với giá khoảng 10 tỷ USD vào năm 2017. General Mills đã đầu tư vào công ty sữa chua và pho mát Kite Hill.

Sự sụt giảm về doanh số đẩy khó khăn lớn nhất về phía những nông dân nuôi bò sữa. Mới đây một công ty chế biến sữa của Mỹ tên là Dean Foods đã hủy hợp đồng với khoảng 100 nông dân chăn nuôi bò sữa ở 8 bang khác nhau. Việc cắt giảm đột ngột này đã gây sốc cho nhiều nông dân nuôi bò sữa ở Kentucky, nơi có những trang trại có ba đời gắn với nghề nuôi bò sữa.

Dean Foods giải thích lý do ngưng hợp đồng với nông dân là vì cạnh tranh gay gắt. Dù Dean Foods không nêu tên, nhưng lý do là nhiều người biết rằng là do Walmart đang bước lĩnh vực sản xuất với một nhà máy ở Fort Wayne, Indiana. Nhà máy này sẽ đóng chai sữa cho thương hiệu cửa hàng Great Value của Walmart. Walmart là hãng bán lẻ nổi tiếng về việc cắt giảm chi phí chỉ tìm nguồn cung ứng sữa chủ yếu từ ba hợp tác xã gần đó và một số nông dân độc lập. Những nông dân ở xa nhà máy không thể tối ưu chi phí sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi này. Việc hợp tác để sản xuất nhãn hàng riêng giữa các công ty và nhà bán lẻ là cuộc chơi không bền và là con dao hai lưỡi. Đến một lúc nào đó nhà bán lẻ sẽ tự đầu tư nhà máy sản xuất và hất cẳng nhà cung ứng cũ.

Với mức giá trung bình toàn quốc là 3,23 USD/ gallon (chưa đến 20.000 đồng/lít sữa tươi bán lẻ), giá sữa bán lẻ hiện nay thấp hơn 10 năm trước, theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ.

Thêm vào đó, người Mỹ đang giảm tiêu dùng sữa khi tiêu thụ đã giảm dần, với tổng doanh thu giảm khoảng 13% trong thập kỷ qua.

Trong số 20 trang trại ở Kentucky có hợp đồng bị hủy bỏ bởi Dean Foods, 14 trang trại vẫn chưa tìm được người mua sữa mới. Sáu người kia đã bán hết bò.

Đây không phải là điểm bắt đầu cũng không phải điểm kết thúc của cuộc suy thoái của ngành sữa bò mà chỉ là một phần của xu hướng bắt đầu từ gần 20 năm trước. Từ năm 2000 đến nay nước Mỹ đã chứng kiến số lượng trang trại bò sữa giảm một nửa từ hơn 83.000 đến khoảng 40.000 (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ).

Xu hướng chuyển từ sữa bò sang sữa hạt cũng đang diễn ra khá nhanh ở Việt Nam khi người tiêu dùng ngày càng nhận ra các chiêu trò quảng cáo quá mức của các công ty sản xuất sữa. Cùng với những hình ảnh mang tính phản cảm về đối xử thô bạo và phi nhân tính với bê con, bò sữa hết hạn khai thác ở nước ngoài, nhiều nhóm tiêu dùng ở Việt Nam đã công khai phản đối sữa bò, ủng hộ sữa mẹ và sữa thực vật.

Tuy vậy, doanh số sữa bò tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong các năm tới khi các công ty sản xuất lớn đều công bố những kế hoạch phát triển trang trại cũng như nâng cấp nhà máy chế biến.

Nhưng có một điều cả các nhà máy và người tiêu dùng đều biết chắc: xu hướng chuyển sang dùng sữa thực vật sẽ ngày càng phát triển vì nhiều lý do khác nhau. Ngay cả những nhà sản xuất sữa bò lớn như Vinamilk, TH milk cũng đã liên tiếp đưa ra thị trường các loại sữa hạt. Nếu không nhanh chân, thị phần sữa hạt sẽ bị các tay chơi mới chiếm lĩnh như đã từng xảy ra với thị trường sữa đậu nành.