Tin tức

Cách làm bánh chưng rán (chiên) sau ngày tết

26/01/2022

Cách làm bánh chưng rán (chiên) sau ngày tết

Bánh chưng chiên hay được mọi người nói vui với nhau rằng là “món phải ăn” hậu Tết âm lịch.  Cách làm bánh chưng rán (chiên) sau ngày Tết sao cho ngon có lẽ là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Dưới đây là vài chia sẻ từ nhà Organica để giúp món bánh chưng rán giòn, ngon hơn mà lại ít ngấy. Hãy cùng nghía qua chút nhé!

Sau những ngày “phủ phê” với bao nhiêu thực phẩm giàu đạm, mỡ, thức ăn chiên xào nhiều dầu trong Tết, hầu hết ai ai cũng khá “ám ảnh” khi bánh chưng còn dư mà chưa kịp “xử” hết. Rán bánh chưng có thể coi là giải pháp hữu hiệu để giảm ngấy, đổi vị cho món ăn. Organica gửi đến bạn 3 cách rán bánh chưng khác nhau để bạn tham khảo và chọn ra công thức mình thích.

1/ Bánh chưng rán truyền thống

Bánh chưng rán kiểu truyền thống có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người, đặc biệt là sau dịp Tết, khi chúng ta muốn “đổi gió” với nguyên liệu sẵn có. Tuy nhiên, rán bánh chưng sao cho ngon mà vẫn giòn đều? Organica sẽ chỉ bạn mẹo để chiên bánh ngon nhé:

Nguyên liệu:

- Một cái bánh chưng hoặc vài lát bánh chưng thừa.

- Chảo chống dính.

- Dầu ăn.

Cách làm:

Bước 1: Chuẩn bị chảo chống dính. Để rán (chiên) bánh chưng ngon, cần chú ý chuẩn bị chảo chống dính kỹ càng. Vì nếu chảo không đủ độ dính, sẽ dễ bị nứt bánh do lớp vỏ ngoài dính vào đáy nồi, vừa giảm độ ngon, hình thức bánh lại kém đẹp.

Bước 2: Bánh chưng cho vào ngăn đông đá khoảng 30 phút. Bước này theo kinh nghiệm là để việc bóc bánh dễ hơn, lúc rán hạt gạo sẽ dẻo và tơi hơn.

Bước 3: Cắt bánh chưng thành miếng vừa ăn. 

Bước 4: Cho dầu lên chảo, không cần cho quá nhiều. Cho một lượng dầu ăn vừa đủ vì mỡ trong bánh sẽ chảy ra trong quá trình rán (chiên). Đun cho dầu nóng trước. Sau đó, cho bánh chưng vào. Bánh phải cắt miếng vừa phải, không mỏng quá (vì rán sẽ khô, cứng), cũng không nên quá dày (để đảm bảo hạt gạo bên trong bánh vẫn duy trì được độ dẻo, tơi). 

Bước 5: Chú ý, khi rán bánh chưng nên để bếp ở lửa nhỏ, bật lửa to bên ngoài sẽ cháy còn bên trong thì bánh sẽ không được dẻo. Lật 2 mặt đến khi vàng vừa phải rồi cho bánh lần lượt ra dĩa và thưởng thức thôi nào!

Nhâm nhi bánh chưng chiên cùng chút giò thủ, củ kiệu, dưa món giòn giòn sẽ giúp đổi vị hơn sau những ngày ăn bánh chưng truyền thống.

2/ Bánh chưng rán nước lọc

Bánh chưng rán nước lọc hay còn được gọi là pizza bánh chưng, nghe thì có vẻ hơi lạ đấy. Tuy nhiên món bánh chưng rán nước lọc vẫn “nổi đình nổi đám” mỗi dịp Tết kể từ lần đầu xuất hiện năm 2019. Năm nay, bánh chưng rán nước lọc là công thức rán bánh khó lòng bỏ qua mà bạn nên thử. Ưu điểm của bánh chưng rán nước lọc là vẫn giữ độ giòn, ngon của bánh mà không hề sử dụng dầu. Hãy cùng xem qua cách rán cách này cùng Organica nhé!

Nguyên liệu:

- Vài lát bánh chưng còn thừa hoặc một cái bánh chưng. Lưu ý để bánh chưng dễ rán (chiên) hơn, bạn nên cắt chiếc bánh chưng thành miếng.

-  Chảo chống dính. 

-  Nước lọc.

Cách làm:

Bước 1: Đầu tiên, kinh nghiệm là bạn nên bỏ bánh chưng vào chảo rồi dằm ra cùng một chút nước lọc cho nhuyễn trước khi đem lên bếp rán. Sau đó, bánh chưng cho lên bếp ở lửa vừa. Đun cho đến khi bánh mềm và khô nước

Bước 2: Cho phần bánh đã được dằm nhuyễn sang một chiếc chảo chống dính khác. Đây là bước quan trọng nên bạn hãy chú ý chọn loại chảo chống dính tốt để hạn chế việc bánh dính đáy nồi nhé. Tiếp đó, bạn dàn bánh đều thành 1 lớp mỏng. Lúc này bạn sẽ thấy nó như vỏ đế của một chiếc bánh pizza vậy.

Bước 3:  Để nhiệt độ khoảng 120 độ C, chiên rán bánh chưng như bình thường. Thời điểm này có thể khó xác định khi nào mặt đế bánh đủ chín để lật bánh. Bạn hãy để ý tiếng của chảo nhé. Nếu có tiếng “tách tách” nhỏ, vậy là đế bánh đã sẵn sàng lật được mà không bị dính. Từ đây, bạn nhớ lật bánh đều tay để tránh cháy bánh và giữ được màu giòn vàng của cả hai mặt là được.

Bước 4: Bánh chưng rán (chiên) đã sẵn sàng ra đĩa. Đoạn này khi lấy ra, bánh có hình tròn của khuôn chảo và rất bắt mắt.

Bạn có thể ngẫu hứng, sáng tạo bằng cách cho thêm vài món ăn kèm lên mặt bánh như giò chả cắt lát, rau củ thái nhỏ, hay các hạt khô như hạt điều, lạc rang để trông giống một chiếc pizza bánh chưng hơn.

Ngoài ra, để cả nhà cùng thưởng thức, bạn cắt bánh thành hình tam giác cho dễ ăn. Vậy là ta đã có chiếc bánh pizza “made in Vietnam” rồi đấy.

Tùy khẩu vị mà một chén nước chấm ăn kèm như nước tương (xì dầu) cũng sẽ khiến món ăn đậm đà hương vị.

Chút biến tấu để món ăn quen thuộc ngày Tết trở nên mới mẻ hơn. Tuy có thể hơi tốn công một chút, nhưng xét về độ giòn và tránh dầu, giảm mỡ thì bánh chưng rán kiểu này rất được các bạn trẻ yêu thích. Hãy thử làm cho cả nhà cùng ăn nhé! 

3/ Bánh chưng rán bằng nồi chiên không dầu

Nguyên liệu:

- Nồi chiên không dầu.

- Bánh chưng cắt thành từng miếng.

- Một ít dầu ăn quét mặt bánh.

Cách làm:

Bước 1: Làm nóng nồi chiên không dầu trước ở nhiệt độ 180 độ trong 5 phút.

Bước 2: Bánh sau khi cắt thành từng miếng vừa ăn, xịt hoặc quét dầu lên hai mặt của bánh. Cách này giúp miếng bánh chưng giòn hơn, không bị quá khô, cũng hạn chế lượng dầu hơn so với cách chiên truyền thống.

Bước 3: Cho bánh chưng đã cắt vào nồi, bật 180 độ C 20 phút cho chín bánh từ bên trong, vàng mặt bên ngoài.

Bước 3: Tiếp tục trở mặt bánh và chiên trong 15 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Sau đó, lấy bánh ra khỏi nồi chiên và thưởng thức! 

Chút giòn giòn lớp vỏ bánh hòa cùng vị mềm dẻo của nếp, bùi bùi của đậu xanh, thêm chút nước tương (xì dầu) để tăng thêm vị ngon cho bánh. Lưu ý, bánh chưng rán có vị ngon nhất sau khi vừa rán xong, bánh giòn và hợp vị. 

Trên dây là một số chia sẻ của Organica để rán bánh chưng sao cho ngon miệng và vẫn giữ độ giòn. Hy vọng với những chia sẻ trên đã mang đến các thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.

Thực phẩm hữu cơ